Hội thảo Ứng dụng năng lượng nguyên tử trong nông nghiệp, công nghiệp, y tế và bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên
Trong khuôn khổ của Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 (KC05/16-20) do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng. Sáng ngày 13/12/2019, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) đã phối hợp cùng Vụ Phát triển Khoa học và công nghệ Địa phương và Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Ứng dụng năng lượng nguyên tử trong nông nghiệp, công nghiệp, y tế và bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên”.
Hội thảo có sự tham dự và chủ trì của TS. Trần Chí Thành – Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và TS. Vũ Thị Bích Hậu – PGĐ Sở Khoa học và công nghệ Đà Nẵng, có sự tham dự của Ông Trần Văn Quang – Phó Vụ Trưởng Vụ Phát triển Khoa học và công nghệ Địa phương, cùng Lãnh đạo các Sở KH&CN, các cơ quan, đơn vị liên quan đến lĩnh vực năng lượng nguyên tử khu vực các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên cùng tham dự.
TS. Trần Chí Thành – Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo
Năng lượng nguyên tử là một trong các lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng có hiệu quả cao của ngành hạt nhân ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, lĩnh vực này đã được nghiên cứu, ứng dụng từ năm 1983 với việc đưa vào hoạt động thiết bị Gamma Cell đầu tiên tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt và không ngừng phát triển cho đến hiện nay. Nhằm đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ bức xạ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và khu vực Miền Trung và Tây Nguyên nói riêng, đặc biệt là việc ứng dụng năng lượng nguyên tử trong nông nghiệp, công nghiệp, y tế và bảo vệ môi trường tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đang ngày được quan tâm và đẩy mạnh.
Hiện nay, công nghệ bức xạ hạt nhân đang được ứng dụng rộng rãi không chỉ trong ngành công nghiệp năng lượng mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. Trong y học, bức xạ hạt nhân được đánh giá là phương pháp độc đáo và hiệu quả về mặt chi phí, giúp ngăn ngừa, chẩn đoán và điều trị nhiều loại bệnh khác nhau. Phổ biến là công nghệ chụp CT sử dụng bức xạ, cho phép tạo ra các hình ảnh cắt lớp nhiều khu vực trên cơ thể con người, đồng thời các đồng vị phóng xạ cũng được sử dụng rất nhiều trong thí nghiệm. Quy trình xử lý phóng xạ cũng có thể được sử dụng để khử trùng các sản phẩm thiết bị y tế, như: đồng phục, dụng cụ, băng gạc...
Bức xạ hạt nhân được ứng dụng nhiều trong việc bảo quản, chế biến sản phẩm nông, ngư nghiệp. Trong thực phẩm, chiếu xạ được sử dụng để làm giảm hoặc loại bỏ các nguy cơ gây bệnh do thực phẩm sinh ra và làm giảm tổn thất sau thu hoạch. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Thế giới (FAO), hàng năm có một phần ba số lương thực được sản xuất trên toàn thế giới (tương đương 1,3 tỷ tấn, một số lượng đủ để hỗ trợ 2 tỷ người trong mỗi năm) bị mất hoặc bị vứt bỏ do hư hỏng. Việc xử lý thực phẩm sử dụng bức xạ ion hóa sẽ là biện pháp kéo dài tuổi thọ của các sản phẩm dễ hỏng này.
Trong ngành công nghiệp và các ngành kinh tế khác, ứng dụng năng lượng hạt nhân cho những kết quả nổi bật như: Ứng dụng công nghệ chiếu xạ tia gamma dùng nguồn Co60 trong ngành công nghiệp; ứng dụng kỹ thuật soi tia gamma kiểm tra tình trạng kỹ thuật của tháp chưng cất hóa dầu; chế tạo thử nghiệm thành công thiết bị đo phóng xạ bao gồm phần cứng và phần mềm; chế tạo được thiết bị máy phổ kế gamma xách tay.
TS. Vũ Thị Bích Hậu – PGĐ Sở Khoa học và công nghệ Đà Nẵng và TS. Trần Ngọc Toàn đồng chủ trì hội thảo
Tại buổi hội thảo, BS. Nguyễn Văn Minh – Trưởng khoa Y học hạt nhân Bệnh viện Đà Nẵng cho biết từ năm 2006, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế đã hợp tác với Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, xúc tiến xây dựng Trung tâm Y học hạt nhân và xạ trị tại Bệnh viện Đà Nẵng và là đơn vị duy nhất tại miền Trung tự chủ sản xuất được đồng vị phóng xạ phục vụ chẩn đoán điều trị hàng ngàn lượt bệnh nhân/năm. Hiện tại, Khoa Y học hạt nhân Bệnh viện Đà Nẵng đã làm chủ quy trình sản xuất 18F-FDG và chụp PET/CT. Ðây là hệ thống có những đặc thù riêng, kết hợp giữa đơn vị y khoa chẩn đoán, đơn vị lò hạt nhân Cyclotron sản xuất đồng vị phóng xạ và đơn vị sản xuất, phân phối thuốc phóng xạ thứ 3 tại Việt Nam. Trung tâm Y học hạt nhân và xạ trị đi vào hoạt động giúp các bác sĩ phát hiện sớm các tổn thương và di căn do ung thư; chẩn đoán các bệnh về tim mạch, thần kinh, nội tiết,.. Với hệ thống thiết bị đồng bộ, hiện đại cho phép Trung tâm phát hiện, chẩn đoán sớm ung thư, bệnh lý tim mạch, thần kinh với độ an toàn cao... Qua đó, giúp các bác sỹ chẩn đoán chính xác hơn nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác điều trị cũng như giảm thiểu chi phí cho bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo, giảm thiểu đáng kể số bệnh nhân phải chuyển viện vào TP Hồ Chí Minh.
BS. Nguyễn Văn Minh – Trưởng khoa Y học hạt nhân Bệnh viện Đà Nẵng khái quát quá trình ứng dụng NLNT
tại bệnh viện
Bên cạnh các ứng dụng quan trọng của ngành năng lượng nguyên tử đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, tại hội thảo TS. Phạm Như Tuyền đến từ trường đại học Nguyễn Tất Thành, TP. Hồ Chí Minh cho biết rằng: để thúc đẩy sự phát triển của việc ứng dụng bức xạ trong y học bền vừng, trước hết cần phải đảm bảo việc tối ưu hóa và bảo đảm an toàn tuyệt đối. bên cạnh sử dụng các thiết bị snar xuất đồng vị phóng xạ, máy gia tốc dùng trong xạ trị hay sử dụng các liều bức xạ trong chiếu xạ y tế cần phải đảm bảo được yếu tố liều lượng để tránh tình trạng phơi nhiễm bức xạ y tế. Một yếu tố quan trọng nữa trong việc tối ưu hóa trong chiếu xạ y tế là phải đảm bảo chất lượng cho chiếu xạ y tế (AQ/QC): các nhà vật lý y khoa, các chuyên viên y tế bức xạ, kỹ thuật viên y tế bức xạ phải tích cực tham gia vào thiết lập và thực hiện CT QA/QC và tham gia các chương trình đảm bảo chất lượng đối với chiếu xạ y tế, phù hợp với cơ sở y tế.
Hiện nay, tình trạng sói mòn đất đang diễn ra khắp nơi trên toàn cầu, phần lớn 80% diện tích đất bị suy thoái nằm ở các nước đang phát triển, ở Việt Nam tình trạng này cũng không ngoại lệ. Câu hỏi đặt ra là: Các biện pháp bảo vệ đất, chống xói mòn đang tồn tại hiện nay có hiệu quả không? Hiệu xuất của các biện pháp như thế nào và mô hinh nào là tối ưu nhất? Vấn đề này, tại hội thảo đã được TS. Phan Sơn Hải – Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân nêu rất rõ. Theo TS. Phan Sơn Hải, Việt Nam đất chủ yếu là đất rừng núi, có độ dốc lớn, chính vì vậy, tình trạng sạc lở, sói mòn đất là yếu tố hiển nhiên thường xuyên xảy ra. Bên cạnh các biện pháp, mô hình như trồng các sản phẩm theo dạng bậc thang, làm tường chắn, đào ranh quanh vườn, sử dụng cỏ Vetiver… thì việc sử dụng kỹ thuật hạt nhân trong quá trình nghiên cứu và đánh giá trầm tích rất quan trọng. Qúa trình này sẽ đánh giá được tốc độ bồi lắng lòng hồ, vùng trũng thấp; nhận diện nguồn góc trầm tích hay xác định được thời gian lưu của trầm tích trong lưu vực.
Hội thảo được diễn ra thành công tốt đẹp trong hai ngày 13 và 14/12/2019. Mục tiêu chính của hội thảo lần này là:
1. Nâng cao năng lực khoa học vào công nghệ hạt nhân quốc gia, tiếp cận các hướng nghiên cứu tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử.
2. Thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ, kỹ thuật tiên tiến về bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp và môi trường khu vực các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
3. Hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp quy hạt nhân và nâng cao năng lực kỹ thuật về an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân phục vụ triển khai dự án điện hạt nhân, lò phản ứng nghiên cứu và các ứng dụng công nghệ bức xạ.
[Nguồn:https://dost.danang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc?dinhdanh=3509001&cat=2]